5 dụng cụ giúp nuôi gà công nghiệp
Chuồng gà công nghiệp nào cũng phải đặt đầy đủ các máng ăn, máng uống, bất kể là nuôi gà siêu trứng hay nuôi gà siêu thịt. Hai thứ máng này nếu khéo tay ta có thể làm được dể dàng, không tốn nhiều công sức và vật liệu cũng dễ kiếm.
Máng ăn và máng dùng đựng thức ăn nuôi gà là cám hỗn hợp có thể đóng bằng ván, bằng tôn ghép lại như cái hộc hình chữ nhật. Máng uống đựng nước cho gà uống có thể dùng chai thủy tinh đặt úp lại trên cái chén, hoặc “lận” bằng tôn, hàn kín mối hàn ghép là được.
Nhưng nói thì nói vậy chứ ngoài thị trường hiện nay, tại các cửa hàng bán thực phẩm gia cầm đều có bán các loại máng này với nhiều kiểu dáng khác nhau bằng nhựa, bằng tôn … mà giá cả cũng không cao.
Máng ăn, máng uống có nhiều loại: như loại dùng cho gà con, loại dùng đặt phía ngoài chuồng để gà thò đầu ra ngoài song chắn của chuồng gà mà ăn uống, một loại máng nữa là máng tự động treo giữa chuồng nuôi gà tập thể để nhiều gà cùng chụm đầu lại ăn.
1. Máng dành cho gà
Đối với gà con:
Gà con là gà dưới 3 tuần tuổi nuôi tập thể trong chuồng úm. Máng gà con là loại máng dài khoảng 30cm, 40cm giữa máng có gắn trục lăn đặt theo chiều dài của máng. Khi ăn, các chú gà sẽ đứng dọc hai bên máng thành hai hàng rồi chụm đầu lại ăn. Máng này có điều lợi là gà không thể nhảy vào giữa máng mà bươi làm thức ăn vung vãi ra ngoài, hao tốn, chúng cũng không thể vào máng để phóng uế làm bẩn thức ăn …
Đối với gà lớn:
Với chuồng đơn nuôi nhốt từng gà thịt hay mái đẻ, hoặc chuồng nuôi tập thể, phía trước mặt tiền chuồng có gắn song chắn để gà nuôi bên trong thò đầu ra ngoài ăn uống thì ta đặt các máng ăn, máng uống bên ngoài chuồng.
Đây là loại máng dài với nhiều kích thước khác nhau, tùy theo nhu cầu mà ta kê các máng sát vào nhau thành dãy dài cho nhiều gà đủ chỗ cùng ăn một lúc.
Nếu chuồng nuôi tập thể mà muốn đặt máng ăn, máng uống ở bên trong chuồng thì đã có loại máng tự động treo giữa chuồng cho đàn gà cùng ăn. Cứ tính 15 con gà dùng một máng, vì khi ăn thường có con ăn con nghỉ, hoặc con nào đã ăn no thì tự động lùi ra, và con khác sẽ chen vào chỗ trống đó đứng ăn.
Loại máng tự động này có thể đổ thức ăn vào một lần đủ cho đàn gà ăn cả ngày không hết. Máng nên treo vào đúng tầm ức của gà để chúng khỏi nhướng mình lên cao mà ăn một cách khó khăn. Nhưng cũng tránh treo máng quá thấp vì gà dùng mỏ hất tung tóe làm hao thức ăn uổng phí.
2. Ổ gà đẻ
dù không biết ấp, gà mái công nghiệp cũng thích đẻ trong ổ. Ổ gà không nhất thiết làm theo một kiểu mẫu nhất định nào, việc này tùy vào sở thích của chủ nuôi.
Ổ gà có thể là một cái hộc đóng bằng ván, một thùng cây, thùng cạc tông dày, hoặc cái thúng, cái sọt tre cũng được. Ổ chỉ cần rộng độ 40 cm vuông là đủ chỗ cho gà vào nằm đẻ hay ấp. Bốn thành ổ xung quanh cần có chiều cao 15 cm – 20 cm. Bên trong ổ lót một lớp rơm hay cỏ khô sạch sẽ.
Ổ gà nên đặt trên kệ nhiều tầng, đặt sát vách chuồng gà và nên đặt vào một nơi cố định. Nếu không có kệ thì có thể máng chắc ổ vào vách, miễn sao giúp gà lên xuống dễ dàng, không bị trượt té làm giập bụng trứng là được.
Đó là loại ổ gà thông dụng. Còn một loại ổ gà đẻ khác gọi là ‘ổ sập’. Ổ sập là một khối hình vuông kín mít, chỉ trước cửa có cái cửa sập. Người ta dùng ổ sập đặt trong chuồng gà đẻ với mục đích kiểm soát năng suất trứng của mỗi con gà mái trong chuồng để biết con nào đẻ sai, con nào đẻ ít, hoặc gà nào có trứng đạt tiêu chuẩn, gà nào không. Để rồi từ đó ta có dữ liệu gạn lọc đàn gà.
Khi gà vào ổ sập đẻ thì cửa ổ sập xuống nhốt nó lại. Khi chủ đến lấy trứng mới thả gà ra.
3. Vòng đeo chân
Để dễ kiếm soát năng suất từng con gà mái trong chuồng, chủ nuôi phải gắn vòng đeo chân vào chân gà. Mỗi con gà chỉ mang một vòng ở chân để làm dấu. Vòng đeo chân chỉ là một miếng nhôm mỏng, mặt ngoài có đóng một con số như 1, 2, 3, 4 … Vòng này có bán ngoài thị trường nhưng ai khéo tay vẫn có thể làm được dễ dàng.
Nhờ đeo vòng ở chân nên ta dễ dàng kiểm soát được năng suất trứng của từng con gà. Hằng ngày, bắt con gà nào đẻ từ ổ sập ra, chủ nuôi liền nhìn số vòng đeo chân của nó xem là số mấy, sau đó quan sát trong ổ xem ngày đó nó có để hay không, mà nếu đẻ thì chất lượng của trứng có đạt không.
Tất cả những điều nhận biết được đó ta phải ghi vào sổ để theo dõi con gà trong một thời gian dài chừng vài ba tuần, mới đi đến kết luận về sự tốt xấu của con gà mái đó ra sao để giữ nuôi tiếp hoặc loại ra vỗ béo bán thịt.
4. Máng phân
Mỗi chuồng gà đều có máng phân lót bên dưới. Kích thước mỗi máng dài ngắn, rộng heo bao nhiêu là tùy vào diện tích mặt đáy của mỗi chuồng. Máng phân thường được làm bằng thiếc, có mặt đáy bằng phẳng, chung quanh có thành cao độ 3cm là vừa. Nên cọ rửa máng phân mỗi ngày cho sạch sẽ.
5. Giàn gà đậu ngủ
Bản tính của gà khi ngủ ít con chịu nằm dưới đất mà thường bay đậu lên giàn cao. Ngủ giàn như vậy cũng tốt vì gà khỏi phải nằm trên lớp phân với nhiều thán khí ở nền chuồng.
Ta có thể dùng cây bốn phân vuông bào sơ sơ bốn cạnh (hoặc cây tầm vông chẻ hai) rồi gác dọc theo vách chuồng cho gà đậu ngủ. Những cây sào làm giàn này cần phải đặt cách vách 20cm để khi phóng uế phân gà không văng trúng vách. Sào đặt cao hơn mặt nền khoảng 50-70 cm là vừa. Vì nếu giàn đậu cao quá, gà sẽ phải gắng sức bay lên, có khi bị thương tật. Nếu giàn có hai ba cây sào đặt song song nhau thì giữa hai cây nên chừa khoảng cách 40cm để con trước con sau không đụng chạm nhau, không cắn mổ nhau.
Có điều ta nên tính sao cho chỗ ngủ của cả đàn gà trong chuồng được đầy đủ. Nếu thiếu chỗ đậu ngủ, chúng sẽ bay lên bay xuống chen lấn nhau, cắn mổ nhau làm bất an cả đàn gà.
Chỉ cần một chỗ rộng 30cm cho mỗi con gà nằm ngủ trên giàn là đủ. Khi chỗ ngủ đã ổn định, chúng sẽ nằm cạnh bên nhau, tỏa thân nhiệt sưởi ấm cho nhau mà ngủ yên cho tới sáng.5 dụng cụ giúp nuôi gà công nghiệp.
(Theo Farmvina.vn)
Link: http://www.farmvina.com/dung-cu-nuoi-ga-cong-nghiep/