Tác động của quy trình chăn nuôi GAHP
Việc áp dụng quy trình GAHP đã giúp sản phẩm chăn nuôi nâng cao khả năng cạnh tranh thông qua việc giảm tỷ lệ chết ở đàn vật nuôi, sử dụng hiệu quả TĂCN, giảm thời gian nuôi,…
Quy trình thực hành chăn nuôi tốt đối với heo, gà (GAHP) do Dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (LIFSAP) xây dựng và áp dụng thử nghiệm tại VN đang có nhiều tác động tích cực đến sản xuất chăn nuôi và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hiện tại, hệ thống truy xuất nguồn gốc các sản phẩm thịt áp dụng quy trình GAHP đã được dự án thí điểm thiết lập thông qua việc đánh số tai, thương hiệu LIFSAP đã được nhiều người biết đến, các thương lái và người tiêu dùng đã bắt đầu tìm mua các sản phẩm này.
Tuy nhiên, các sản phẩm thịt áp dụng quy trình GAHP mới chỉ được các thương lái mua cao hơn các sản phẩm thông thường trung bình là 1 giá. Mặc dù vậy, việc áp dụng quy trình GAHP đã giúp sản phẩm chăn nuôi nâng cao khả năng cạnh tranh thông qua việc giảm tỷ lệ chết ở đàn vật nuôi, sử dụng hiệu quả TĂCN, giảm thời gian nuôi, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế. Cụ thể:
Giảm tỷ lệ chết ở đàn vật nuôi: Tỷ lệ trung bình heo mắc bệnh, chết đã bắt đầu giảm ở lứa tuổi thứ 2 sau khi áp dụng quy trình GAHP ở các vùng chăn nuôi ưu tiên, từ 15% xuống còn 4,62% đối với heo và từ 41% xuống còn 5,69% đối với gà. Đây là tỷ lệ nuôi sống lý tưởng đối với chăn nuôi nông hộ.
Theo báo cáo giám sát của các tỉnh, từ khi áp dụng quy trình GAHP, tại 46 vùng chăn nuôi ưu tiên chưa xảy ra bất kỳ đợt dịch nào, mặc dù từ năm 2011 – 2014 tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp trên địa bàn 12 tỉnh dự án nói riêng và cả nước nói chung.
Giảm thời gian nuôi: Thời gian nuôi trung bình đối với heo thịt tại các vùng GAHP cũng giảm mạnh, từ 135 ngày xuống còn 112 ngày; đối với gà thịt từ 66 ngày xuống còn 54 ngày.
Quy mô đàn vật nuôi tăng nhanh: Theo số liệu ban đầu, đàn gia súc, gia cầm trung bình tại các hộ chăn nuôi khi mới tham gia dự án là 25,6 con/hộ đối với heo và 935 con/hộ đối với gà. Sau hơn 5 năm triển khai quy mô đã tăng lên 35,6 con/hộ đối với heo và 1.552 con/hộ đối với gà.
Sử dụng hiệu quả thức ăn chăn nuôi: Những hộ chăn nuôi theo GAHP tiết kiệm về thức ăn khoảng 1.800 đồng/kg heo hơi so với những hộ chăn nuôi thông thường.
Giảm giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế: Kết quả đánh giá hiệu quả chăn nuôi heo năm 2015 cho thấy, đạt trung bình ở các hộ theo GAHP là 41,74% cao hơn so với hộ ngoài GAHP 15,23%. Như vậy, với hơn 11.000 hộ trong dự án và 26.000 hộ chăn nuôi đang tự nguyện áp dụng quy trình GAHP hiện nay với quy mô trung bình 35,6 con/lứa, 2,4 lứa/năm, hàng năm đã cung cấp cho xã hội hơn 230.000 tấn thịt heo hơi đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.
Đây là những kết quả bước đầu góp phần tham gia vào chuỗi giá trị lâu dài của dự án, cũng như chiến lược của ngành chăn nuôi trong cả nước. Thông qua việc áp dụng quy trình GAHP, các sản phẩm chăn nuôi được kiểm soát chặt chẽ ở từng khâu sản xuất, như chuồng trại, chất lượng con giống, thức ăn chăn nuôi, nước uống, thú y, chăm sóc, nuôi dưỡng, ghi chép, xuất bán sản phẩm. Các hộ chăn nuôi đã nâng cao được hiệu quả kinh tế cho hộ gia đình và cung cấp nguồn thịt an toàn cho cộng đồng; đồng thời hình thành mắt xích đầu tiên của chuỗi giá trị khép kín “trang trại – cơ sở giết mổ – chợ thực phẩm”….